NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO
Phong trào hướng đạo phát sinh từ một cuộc cắm trại trên đảo Brownsea, Anh quốc, mùa hè năm 1907 do Robert Baden-Powell thực hiện cùng 20 đứa trẻ vùng ngoại ô London. Cuộc cắm trại cụ thể hóa một dự án mà Baden-Powell ấp ủ từ nhiều năm qua về một phương pháp mới để giáo dục thanh thiếu niên, một hình thức giáo dục không có tính cách gò bó như học đường nhưng hấp dẫn và lôi cuốn đối với trẻ em.
Tiểu sử B.P.
Ngày 22 tháng 2 năm 1857, Robert Stephen Smyth Baden-Powell sinh ra tại Paddington, một khu vực thuộc thủ đô London, Anh quốc (sau này các hướng đạo sinh gọi ông là B.P., hay BiPi). Ông là con thứ 8 trong một gia đình 10 người con. Cha là mục sư, mất khi B.P. chỉ mới 3 tuổi. Gia đình không khá giả cho nên B.P. được một học bổng để theo học trường Chaterhouse. Lúc đầu trường này tọa lạc tại London, nhưng sau dời ra ngoài thành phố, ở vùng Surrey. Tại đây, B.P. như cá gặp nước, thích rong chơi trong khu rừng gần trường, tò mò khám phá đời sống giữa thiên nhiên. Nhiều lúc ông bỏ học vào rừng bắt thỏ nấu ăn, và cẩn thận không để khói bốc lên để khỏi bị người khác bắt gặp. Ông có nhiều tài nghệ như chơi dương cầm, vĩ cầm, đóng kịch… Nhưng ông chỉ học dưới mức trung bình.
Mặc dù vậy, khi học hết bậc trung học, ông thi vào quân đội và đỗ thứ nhì trong số mấy trăm thí sinh. Ông được miễn theo học khóa sĩ quan và được điều động sang Ấn Độ vào năm 1876, lúc ông mới 19 tuổi. Tại đây ông chuyên về kỹ thuật thám thính và vẽ bản đồ địa thế. Sau đó ông được thuyên chuyển về vùng bán đảo Balkans rồi về châu Phi.
Tại Nam Phi, ông chỉ huy việc cố thủ thành Mafeking lúc xảy ra cuộc chiến tranh giữa quân đội Anh và quân Boers, là những di dân gốc Hòa Lan sinh sống tại Nam Phi nổi lên chống lại sự thống trị của người Anh. Thành Mafeking bị bao vây suốt 217 ngày. B.P. dùng những thiếu niên trong thành và giao cho nhiệm vụ đưa tin, thám thính vị trí của quân địch; và ông rất thán phục lòng dũng cảm, trí khôn ngoan của các em trong lúc thi hành nhiệm vụ được giao. Trở về Anh năm 1903, B.P. được đón tiếp như một vị anh hùng đã chỉ huy xuất sắc cuộc kháng cự của thành Mafeking. Quyển sách Aids to Scouting do ông viết để huấn luyện cho binh sĩ được các nhà giáo và những người phụ trách sinh hoạt thanh niên lúc đó dùng để huấn luyện cho trẻ em về kỹ thật quan sát và sống trong rừng. Thấy vậy, B.P. có ý định viết lại quyển sách đó, nhưng lần này nhắm vào đối tượng là các thiếu niên.
Mùa hè năm 1907, B.P. đem thí nghiệm những ý nghĩ và phương pháp giáo dục của mình bằng cách đưa 22 trẻ em thuộc mọi thành phần xã hội trong vùng London đi cắm trại trong 9 ngày vào đầu tháng 8 tại đảo Brownsea. Kết quả cuộc thử nghiệm tại đảo Brownsea có tiếng vang đến rất nhiều nước khác. Quyển Scouting for Boys (“Hướng Đạo cho trẻ em”) được xuất bản năm 1908 và được đón nhận rất nồng nhiệt. Nhiều đoàn thể hướng đạo tự phát mọc lên khắp nơi để bắt chước sinh hoạt theo phương pháp của B.P. Quyển Hướng Đạo cho trẻ em trở thành một quyển sách làm nền tảng cho một phong trào có tính cách toàn cầu xuất phát kể từ lúc đó, và sau đó đã được dịch ra trên 35 thứ tiếng. B.P. đã tìm được câu trả lời cho một nhu cầu bức bách của tuổi trẻ tại Anh cũng như trên toàn thế giới.
Tháng 9 năm 1908, B.P. thiết lập một văn phòng tại thủ đô Anh để giải đáp tất cả những thắc mắc, câu hỏi được gởi tới từ khắp nơi. Phong trào hướng đạo lan rất mau chóng đến nhiều nước khác, bắt
đầu là tại châu Âu. Ngay từ năm 1909, một số em gái theo anh và các bạn tham dự một ngày họp bạn hướng đạo tại Crystal Palace ở thủ đô London, và các em thấy ham thích, muốn tiếp tục sinh hoạt theo cách thức đó. Phong trào Nữ Hướng Đạo ra đời kể từ năm đó.
Năm 1910, B.P. được 53 tuổi. Theo lời khuyên của quốc vương Anh Edward VII, ông xin về hưu và rời khỏi quân đội với cấp bậc Thiếu Tướng để có thể dành hết thời giờ cho phong trào hướng đạo. Ông du lịch khắp thế giới, giúp ý kiến, khuyến khích việc phát triển của phong trào. Trong một chuyến du hành, ông gặp cô Olave St. Clair Soames, và năm 1912 hai người làm lễ thành hôn. Cô Olave Soames, lúc đó mới 23 tuổi, giúp B.P. rất đắc lực trong nhiệm vụ của ông, và sau này trở thành thủ lãnh của phong trào Nữ Hướng Đạo. Sau khi phương thức hướng đạo được áp dụng thành công cho lứa tuổi thiếu niên 11-18 tuổi, B.P. đem áp dụng cho các em nhỏ tuổi hơn và thành lập ngành Ấu, hay Sói con, năm 1916.
Năm 1919, khu đất Gilwell Park gần London được dùng làm nơi huấn luyện các trưởng hướng đạo đến từ khắp nơi trong nước cũng như từ các nơi khác trên thế giới.
Năm 1920, cuộc họp bạn hướng đạo quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Olympia, London, với 8,000 người tham dự. Cuối trại, B.P. được đồng thanh phong làm thủ lãnh của hướng đạo toàn thế giới. Nhân cuộc họp bạn, trưởng phái đoàn các nước tham dự gặp gỡ nhau để đặt nền móng cho một tổ chức quốc tế. Sau này, người ta xem đây là cuộc hội nghị quốc tế đầu tiên của Phong trào hướng đạo. Một Văn Phòng Quốc Tế Hướng Đạo được thiết lập tiếp theo đó tại London. Năm 1922, hội nghị quốc tế lần thứ hai được triệu tập tại Paris, Pháp, và Ủy Ban Quốc Tế đầu tiên (International Committee) được thành lập. Ba mươi ba quốc gia tham dự Hội nghị này được xem là những hội viên sáng lập của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới.
Năm 1924, trại họp bạn toàn thế giới lần thứ hai được tổ chức tại Copenhagen, Denmark, và trại họp bạn lần thứ 3 được tổ chức tại Birkenhead, Anh quốc, vào năm 1929. Tại đây B.P. được phong tước Lord Baden-Powell of Gilwell do những đóng góp của ông cho công cuộc giáo dục thanh thiếu niên. Bắt đầu từ đây, các trại họp bạn hướng đạo toàn thế giới được tổ chức đều đặn 4 năm một lần.
Năm 1938, nhận thấy sức khỏe giảm sút, B.P. lui về tịnh dưởng tại Nyeri, một thành phố thuộc nước Kenya (châu Phi), và tiếp tục viết sách. Tổng cộng, ông đã cho xuất bản được 32 quyển về sinh hoạt hướng đạo các ngành Thiếu, rồi Ấu và Tráng, cũng như một số hồi ký. Ông mất ngày 8 tháng 1 năm 1941, lúc ông được 83 tuổi, và được chôn tại Nyeri. Baden-Powell phu nhân tiếp tục sự nghiệp của chồng cho tới ngày bà mất vào năm 1977.
Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới
Khi hướng đạo bắt đầu trở thành một phong trào quốc tế, một tổ chức quốc tế được thành lập nhân kỳ họp bạn thế giới đầu tiên tại London năm 1920 với số hội viên đầu tiên là 33 nước. Số hướng đạo sinh trên thế giới được thống kê lúc đó là trên 1 triệu. Năm 1950, số hội viên là 50 quốc gia và số đoàn sinh lên đến 5 triệu. Năm 1969, số đoàn sinh tăng lên thành 12 triệu và đến nay (2017), sỉ số hướng đạo sinh nam và nữ trên thế giới đã tăng lên trên gần 38 triệu, với số hội viên là 169 quốc gia và lãnh thổ (không kể số nữ hướng đạo trong tổ chức riêng của Hiệp Hội Nữ Hướng Đạo Thế Giới).
Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới nhóm họp đại hội đồng mỗi 3 năm một lần: “Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới” (World Scout Conference) gồm đại diện của tất cả các nước hội viên, là cơ quan quyền lực tối cao của Tổ Chức Thế Giới, có nhiệm vụ bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của phong trào trên khắp thế giới, ấn định đường lối, chính sách chung. Tại mỗi quốc gia chỉ có một tổ chức hướng đạo được công nhận là hội viên của Tổ Chức Thế Giới. Trong trường hợp một nước có nhiều hội hướng đạo, những hội đó phải lập thành một Liên hội thay mặt cho tất cả thành viên để làm hội viên Tổ Chức Thế Giới.
Vì Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới chỉ họp 3 năm một lần nên các nước hội viên bầu ra 12 người thuộc 12 quốc gia hội viên khác nhau trong một “Ủy Ban Hướng Đạo Thế Giới” (World Scout Committee), là cơ quan chấp hành của Tổ chức, có trách nhiệm thi hành những quyết nghị của Hội Nghị Thế Giới và thay mặt Hội Nghị Thế Giới trong thời gian Hội nghị không họp. Cơ quan thường trực của Tổ Chức Thế Giới là “Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới” (World Scout Bureau), đứng đầu là Tổng Thư ký, do Ủy Ban Thế Giới bổ nhiệm, và có nhiệm vụ điều hành công việc hàng ngày, liên lạc với các quốc gia hội viên để giúp đỡ sự phát triển của phong trào, thực hiện các chỉ thị của Hội Nghị Thế Giới và Ủy Ban Thế Giới. Lúc đầu đặt trụ sở tại London, đến năm 1959 Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới đã di chuyển qua Ottawa, Canada, rồi dời về Geneva, Thụy Sĩ, vào năm 1968, và sau cùng dời về Kuala Lumpur, Malaysia, vào năm 2014.
Ngoài ra, Tổ Chức Thế Giới có đặt 6 Văn phòng Vùng tại: Santiago, Chile (châu Mỹ), Cairo, Ai Cập (Trung Đông), Nairobi, Kenya (châu Phi), Geneva, Thụy Sĩ (châu Âu), Manila, Philippines (châu Á – Thái Bình Dương), và Yalta, Ukraina (châu Âu-Á, Eurasia). Văn phòng Vùng tại Ukraina là văn phòng cuối cùng được mở để hổ trợ việc thành lập phong trào hướng đạo tại các nước trong khối Liên bang Xô Viết cũ, và hiện nay qui tụ các nước hội viên là Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kazakhstan, Moldova, Tajikistan, Ukraina và Liên bang Nga. Các nước Đông Âu, gồm một số nước có mặt trong số 33 hội viên sáng lập của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới vào năm 1920 như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Rumania, Yugoslavia, Estonia, Latvia… đã lần lượt trở lại gia nhập Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới và tùy thuộc Văn phòng châu Âu.
Lịch sử của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới bước vào một khúc quanh hết sức quan trọng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989. Cùng với việc phục hồi chế độ dân chủ tại các nước Đông Âu, phong trào hướng đạo hồi sinh nhanh chóng tại những nước vốn đã có một truyền thống hướng đạo lâu năm và lan qua những nước chưa hề biết đến sinh hoạt hướng đạo. Các nước Ba Lan, Hungary, Romania, Tiệp Khắc, Latvia, Yugoslavia lần lược xây dựng lại phong trào hướng đạo và gia nhập trở lại Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới, kéo theo một số nước hội viên mới như Croatia, Slovenia, Estonia… Một văn phòng thông tin của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới đã được mở tại Moskva, thủ đô nước Nga, vào năm 1991, và để đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh chóng của phong trào hướng đạo trong một vùng rộng lớn gồm các nước thuộc khối Liên Xô cũ, một Vùng mới được thiết lập trong năm 1997 và đặt trụ sở tại Ukraina.
Phong trào Hướng Đạo phát sinh từ châu Âu, nhưng những năm sau này phát triển rất mạnh ở châu Á, với số đoàn sinh đông đảo vượt hẳn các châu Âu và Mỹ. Trong một thời gian dài, các nước châu Âu hầu như nắm giữ độc quyền vị trí lãnh đạo của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới, nhưng do tầm quan trọng ngày càng lớn của các hội Hướng Đạo châu Á nên cán cân ảnh hưởng lần lần nghiêng hẳn về phía châu Á. Trụ sở của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới từ Genève, Thụy Sĩ, đã được chuyển về Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, vào năm 2014. Vị tổng thư ký hiện nay của Tổ Chức Thế Giới Ahmad Alhendawi, người Jordan, vùng Trung Đông, cũng là vị tổng thư ký đầu tiên không phải thuộc một quốc gia châu Âu hay châu Mỹ.
Hơn bao giờ hết, phong trào hướng đạo chứng tỏ tính cách hoàn vũ của mình, một phong trào có sức hấp dẫn lôi cuốn thanh thiếu niên khắp thế giới, không kể màu da, chủng tộc, tôn giáo. Với số hội viên ngày càng đông đảo, việc đảm bảo tính thuần nhất của phong trào hướng đạo càng hết sức khẩn thiết. Việc theo đúng những nguyên tắc cơ bản của phong trào và áp dụng đúng đắn phương pháp hướng đạo là điều kiện tiên quyết để một đoàn thể được công nhận là hướng đạo.
Trước khi thâu nhận một quốc gia hội viên mới, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới cứu xét trước tiên xem mục đích của phong trào có được tôn trọng, các nguyên tắc cơ bản và phương pháp hướng đạo có
được áp dụng đầy đủ tại quốc gia liên hệ hay không?